“Chủ nghĩa quốc xã không
phải là con đẻ của giai cấp đặc quyền đặc lợi, gắn với truyền
thống Phổ, mà là con đẻ của đám đông” - F. Hayek
Lục tổ Huệ Năng “vô vi” như
Trang Tử. John Locke, Adam Smith và F. Hayek, cũng “vô vi”. Các vị đều
là những tổ sư của chủ nghĩa tự do. Về triết học, các vị thuộc
trường phái vị kỷ, ủng hộ chủ nghĩa cá nhân - thứ chủ nghĩa mà chúng ta được răn dạy
phải nhất mực lên án.
Huệ Năng không chủ trương tử
vì đạo.
Trang Tử mặc dù coi sống
chết như nhau (tề sinh tử) nhưng ông không coi trọng những người vì danh
mà tuẫn tiết, ông chủ trương “vi thiện vô cận danh, vi ác vô cận
hình”, giữ thân để phụng dưỡng cha mẹ và hưởng trọn tuổi trời ("tận niên", chứ không tìm cách kéo dài tuổi thọ).
John Locke, người phát kiến
“quyền tự nhiên” của con người, người mà tư tưởng là nguồn cảm hứng cho
bản Hiến pháp tự do đầu tiên trên thế giới – Hiến pháp Mỹ, không hề
chủ trương “tự do hay là chết”.
Adam Smith, ông tổ của kinh tế
thị trường tự do, là một nhân vật ôn nhu, không bao giờ đề cập đến
chuyện đấu đá.
“Trong cuộc nội chiến Tây Ban
Nha vào cuối những năm 30, người ta nói rằng những chiến binh Cộng
hòa đã hy sinh với từ Staline trên
môi…Nhưng sẽ chẳng có ai chết với những từ thị trường tự do trên môi cả” (D. Yergin và J. Stanislaw –
sđd).
Còn F. Hayek, người được
Milton Friedman coi là triết gia tự do vĩ đại nhất của thế kỷ 20,
từng nói : “Có lẽ tác hại lớn nhất đối với chủ nghĩa tự do chính là
sự kiên quyết của một số người ủng hộ nó” (Trích từ Hayek, Đường
về nô lệ)
Theo Hayek, chính những nguyên
tắc của chủ nghĩa tự do đã ngăn cản biến nó thành một hệ thống
giáo điều. Nguyên tắc quan trọng nhất của nó là không có các nguyên
tắc cứng nhắc được xác định một lần và vĩnh viễn. Thậm chí Hayek còn
không muốn dùng từ “Tự do” (liberty), vì từ đó ở Mỹ đã bị
F.Roosevelt và những người theo chủ nghĩa can thiệp cưỡng đoạt. Ông
muốn dùng từ “Khoan dung” (toleration). Không phải ngẫu nhiên mà trong
các tác phẩm của Locke có tới 4 bức thư về lòng khoan dung.
Ở phương Tây, chủ nghĩa tự do
(hay chủ nghĩa cá nhân, tự do cá nhân) là thành quả vĩ đại của thời
kỳ Phục Hưng. Và chính tự do cá nhân được giải phóng đã sáng tạo ra
những kỳ tích trên các lĩnh vực hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm
nhạc, văn học, khoa học và triết học của thời kỳ này. Khi con người
được sống thật với những gì mình vốn có và tôn trọng những đặc
thù khác biệt mà tạo hóa đã ban cho mình và cho người khác, khi ấy
mọi năng lượng trong mỗi người mới được giải phóng. Tự do chính trị
mở đường cho sự sáng tạo và tự do kinh doanh mở đường cho việc đem
áp dụng sự sáng tạo đó vào cuộc sống, từ đó mà cuộc sống thăng
hoa. Thành tựu của chủ nghĩa tự do ở phương Tây lên đến “đỉnh” vào
thế kỷ 19 – một thế kỷ thịnh vượng, khoan dung và hòa bình.
Bản chất của một xã hội tự
do là “thủy tự mang mang hoa tự hồng”, là tôn trọng tối đa các lực lượng
tự phát trong xã hội và sử dụng tối thiểu các biện pháp chế tài, hay
nói như Thomas Jefferson : “The Government that governs least governs best”. Nhưng
cũng vì xã hội tự do không ép buộc mọi người tuân theo những nguyên
tắc cứng nhắc, không buộc thiểu số phải sống theo đa số, nên quá
trình hoàn thiện các định chế của một xã hội tự do diễn ra vô cùng
chậm chạp. Một xã hội tự do cũng giống như một rừng cây tự nhiên,
những cây khỏe mạnh thì phát triển, những cây yếu ớt bị đào thải.
Tình trạng này được coi là khiếm khuyết của xã hội tự do : “mạnh được yếu thua”, “cá lớn nuốt cá
bé”. Dần dần người ta quên đi những thành tựu mà xã hội tự do đem
lại, bởi những thành tựu do “không làm gì hết” mà có, thiên hạ coi
là những thứ đương nhiên mình được hưởng, từ đó người ta chỉ còn
quan tâm đến sự khiếm khuyết của nó và càng ngày càng không muốn
chấp nhận những khiếm khuyết đó, dẫn đến sự gia tăng khuynh hướng
chối bỏ chủ nghĩa tự do. Trong khi đó, những người bảo vệ chủ nghĩa
tự do, để chống lại những mối đe dọa đối với nó, đã biến chủ
nghĩa tự do, vốn “thủy tự mang mang hoa tự hồng”, thành những nguyên
tắc bất di bất dịch. Theo Hayek thì chỉ cần bác bỏ một luận điểm
cụ thể nào đó của những nguyên tắc đó thì lập tức cả tòa lâu đài
sẽ sụp đổ ngay lập tức. Hayek cho rằng “chính thành tựu của chủ
nghĩa tự do cũng là nguyên nhân đưa nó đến chỗ suy tàn”.
Phế bỏ chủ nghĩa tự do không
ai khác là đám đông. Không thể nói là đám đông không có khát vọng tự
do, nhưng đám đông bao giờ cũng muốn Nhà nước làm nhiều hơn những
“việc tốt”, “chăm sóc” tốt hơn đời sống của người dân, thực hiện nhiều
hơn “công bằng xã hội”. Nhưng khốn nỗi, Nhà nước càng làm nhiều việc, kể cả những
“việc tốt”, thì tự do càng ít đi.
Hitler không giành chính quyền
một cách bất hợp pháp. Chính Hitler đã làm rất nhiều “việc tốt” để
hồi sinh nước Đức thua trận, bệ rạc và nhục nhã sau Đại chiến thứ 1
và rất biết kích hoạt khát vọng, tính kiêu ngạo và lòng thù hận
của đám đông. Ông ta lên cầm quyền một cách hợp pháp và dân chủ, chính đám đông đã tạo ra Hitler. Cần lưu ý : Dân chủ chỉ là một trong những phương tiện đi đến tự do, nhưng là một phương tiện không đầy đủ. Một nền dân chủ lấy
số đông làm chuẩn mực, không tôn trọng thiểu số cũng như từng cá nhân
riêng lẻ, một nền dân chủ lấy 51% thống trị 49%, nền dân chủ ấy luôn
luôn có nguy cơ biến thành một chế độ toàn trị. Thảm họa phát xít
ở Đức là một minh chứng.
Ở Mỹ, F.D. Roosevelt lên cầm
quyền đã ban hành “Chính sách kinh tế mới” (New Deal), phế bỏ nhiều
thành tựu của xã hội tự do bằng một loạt các biện pháp can thiệp
của Chính phủ vào hoạt động kinh tế và đời sống người dân. F.D.R
rất được lòng tầng lớp trung lưu, thành phần đa số người Mỹ, vì vậy
mà ông trúng cử tới 4 nhiệm kỳ Tổng thống. Nhờ sự tiên lượng thiên
tài của các nhà lập quốc, nên nước Mỹ đã có một bản Hiến pháp tự
do cực kỳ khó sửa đổi, vì vậy mới loại được nguy cơ của chế độ
toàn trị. Tuy nhiên, các chính sách can thiệp của F.D.R đã để lại
những di hại lâu dài, không những rât khó khắc phục mà còn có khả
năng tái diễn. Có vẻ như món bí kíp “quỳ hoa bảo điển” của F.D.R
đang được Obama đem ra luyện tập.
Xin một lần nữa dẫn lại bức tranh
đăng trên karendecoster.com minh họa sinh động con đường phát triển của
“Nhà nước vú em” kéo theo sự suy tàn của chủ nghĩa tự do tại nước
Mỹ trong thế kỷ 20 :
Từ trái sang :
Hình 1 : Tượng nữ thần tự do
nguyên vẹn với Laissez-faire của thế kỷ 19.
Hình 2 : Chỉ với 1 tu chính
án thứ 18, tức điều khoản cấm rượu được bổ sung vào Hiến pháp (thông
qua năm 1921, bãi bỏ năm 1933 bằng Tu chính án số 21), nữ thần tự do
bị cụt mất cánh tay.
Hình 3 : Với New Deal của
F.D.R, nữ thần tự do mất luôn cái đầu.
Hình 4 : Với Great Society của
Lyndon B.Johnson, nữ thần tự do mất tiếp hai vai.
Hình 5 : Với Big Government
hiện nay, hay còn gọi là Nanny
State (Nhà nước vú
em), tượng nữ thần tự do biến mất hoàn toàn, thay vào đó là một bà
vú.
(lúc nào rảnh viết tiếp)
Phần 1
Phần 2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét